BỆNH ĐẬU GÀ (FOWL POX)

1. Nguyên nhân

– Do virus ADN hướng biểu mô gây ra.

– Virus đậu rất đề kháng với yếu tố ngoại cảnh và có thể tồn tại vài tháng trong môi trường.

2. Dịch tễ

–  Một số loài muỗi và các loài chân đốt hút máu có thể làm lây lan virus, nhất là muỗi có thể truyền lây mầm bệnh trong vài tuần.

– Gà mắc bệnh ở mọi lứa tuổi, nhưng tập trung ở 1-3 tháng tuổi.

– Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng dễ bùng phát vào mùa mưa hoặc khi thời tiết hanh khô, chuồng hở và gà thả vườn bị nhiều hơn.

– Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày.

3. Triệu chứng

* Thể ngoài da

– Xảy ra ở cả gà con và gà trưởng thành.

– Xuất hiện nốt đậu ngoài da ở vùng không có lông: ở da chân, mào, tích, xung quanh mắt miệng.

– Lúc đầu những nốt đậu này nhỏ màu vàng xám, sau đó to dần lên thành các cục lồi, rắn chắc trên bề mặt da có màu thâm. Các nốt đậu này sau khi khô sẽ bong tróc và để lại những vẩy nâu, tự bong trong 4-6 tuần.

* Thể màng giả

– Thường xảy ra ở gà con khoảng từ 3 – 4 tuần tuổi. Xuất hiện các nốt đậu trong niêm mạc, nghiêm trọng hơn so với thể da. Lúc đầu xuất hiện những nốt sần trắng trong vòm miệng. Về sau dính lại với nhau thành các màng giả dày đến vài mm. Sau các màng này sẽ chuyển sang màu nâu, dính chặt vào niêm mạc của các cơ quan, nhất là lưỡi của gia cầm. Nếu bóc tách ra thấy vết loét, gà chảy máu đau đớn, dễ kiệt sức và chết.

* Thể hỗn hợp

– Thường xảy ra ở gà con, triệu chứng gà bệnh có thể ở cả 2 thể, trên da và màng giả. Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong cao.

Gà bệnh có dấu hiệu giảm ăn so với bình thường, có thể bỏ ăn hẳn, tiêu chảy và giảm đẻ.

– Thời gian gà khỏe bệnh phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Nếu gà có các nốt đậu khô, mọc ngoài da thì mất khoảng 2-4 tuần hồi phục. Nhưng có thể mất tới vài tuần, vài tháng để toàn bộ gà khỏe lại vì virus đậu gà lây lan chậm trên đàn.

4. Bệnh tich

–  Xác gà ốm gầy, giảm thể trọng.

–  Cơ thể xuất hiện các nốt mụn đậu to nhỏ màu trắng đục trên da, đặc biệt là vùng đầu, mặt, bàn chân tăng dần kích thước, chuyển sang màu vàng và bị hoại tử.

– Sưng viêm ở vùng da xung quanh miệng, thanh quản.

– Theo thời gian, các nơi sưng viêm này lan dần thành các nốt phồng rộp, màng dày, tạo thành 1 lớp màng giả.

– Thành ruột có thể xuất hiện những màng tụ huyết màu đỏ.

5. Chẩn đoán

– Dựa vào triệu chứng và bệnh tích điển hình.

– Cần chẩn đoán phân biệt bệnh đậu với bệnh ILT, IB.

6. Phòng bệnh

–  Vệ sinh thú y tốt, thực hiện an toàn sinh học.

– Phun sát trùng trong và ngoài trại 2  lần/ tuần.

– Thường xuyên bổ sung Vitamin, Acid amin và khoáng chất giúp vật nuôi tăng cường miễn dịch.
– Bổ sung Men tiêu hóa giúp vật nuôi tăng cường sức khỏe đường ruột, hạn chế tiêu chảy.
– Dùng kháng sinh phòng bệnh: Florfenicol, Doxycycline,….

– Bổ sung Baccitop SP, liều 1g/ 5 – 10 lít nước hoặc Laczymy Soluble, liều 1g/ 3 – 4 lít nước uống,giúp vật nuôi tăng cường sức khỏe đường ruột, hạn chế tiêu chẩy.

– Phòng bệnh bằng vaccine:

* Gà lông màu (28 ngày tuổi) chủng màng cánh.

* Gà hậu bị (28 ngày tuổi) chủng màng cánh.

* Gà bố mẹ (7 ngày tuổi) chủng màng cánh.

7. Trị bệnh

– Vệ sinh thú y tốt, thực hiện an toàn sinh học.
– Phun sát trùng trong và ngoài trại.

– Sử dụng phác đồ điều trị dự phòng vi khuẩn kế phát 4- 5 ngày cho toàn đàn còn lại bằng kháng sinh như: Amoxicillin, Doxycycline, Ampicillin,…

– Tăng cường sức đề kháng bằng: Glucose, Bcomplex, Vitamin…